Sữa non có tác dụng gì đặc biệt?
- Người viết: Boxcare lúc
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Sữa non là một loại sữa đặc biệt tốt cho trẻ sơ sinh, được xem là một loại vắc xin an toàn tuyệt đối không tác dụng phụ đối với cơ thể trẻ trong giai đoạn đầu đời. Sữa non có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp 10 lần so với sữa chuyển tiếp và sữa trưởng thành.
1. Sữa non là gì?
Sữa non (hay còn gọi là sữa đầu) là sữa mẹ được tạo thành khi sản phụ mang thai được 7 tháng trở đi. Sữa non được hình thành thông qua quá trình thay đổi hormone của người mẹ sau khi sinh từ 2-3 ngày. Nếu được cho bú đúng thời điểm, có thể nói sữa non chính là loại thức ăn đầu tiên mà bé tiếp xúc sau khi chào đời. Sữa non mặc dù số lượng không nhiều, nhưng lại chứa rất nhiều dưỡng chất vô cùng quan trọng, có khả năng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và giảm thiểu rủi ro mắc bệnh ở trẻ trong những tháng đầu đời.
Thời điểm mẹ bầu có sữa non tùy thuộc vào cơ địa từng người
Tùy thuộc vào cơ địa mà cơ thể người mẹ có thể tiết ra sữa non có màu sắc khác nhau. Sữa non thông thường sẽ có màu trắng đục, có khi trong suốt, vàng hay vàng nhạt. Sữa non thường đặc và hơi dính.
Mỗi người mẹ có thời gian và đặc điểm tiết ra sữa non khác nhau. Ở một số bà bầu, cơ thể bắt đầu có sữa non ngay khi bụng bắt đầu lớn, tương đương với thời gian thai kỳ ở tháng 4; có người sau khi sinh từ 1-2 ngày cơ thể mới bắt đầu tiết ra sữa non.
2. Thành phần dinh dưỡng có trong sữa non
Theo một vài nghiên cứu, sữa non có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp 10 lần so với sữa chuyển tiếp (sữa mẹ có từ ngày thứ 6 – 10 sau sinh) và sữa trưởng thành (sữa mẹ có tính từ ngày thứ 11 sau sinh trở đi).
Thành phần dinh dưỡng chủ yếu có trong sữa non gồm:
- Protein: Hàm lượng protein trong sữa non cao gấp 5 lần sữa mẹ thông thường, trong đó chứa nhiều thành phần quan trọng như globulin có khả năng miễn dịch, lactoferrin, yếu tố tăng trưởng, đại thực bào, bạch cầu trung tính và tế bào lympho – có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và tăng khả năng miễn dịch ở trẻ trong giai đoạn đầu đời.
- Vitamin: Vitamin có trong sữa non thường là vitamin A, E, B2, B3, K...
- Lactose: Hàm lượng Lactose trong sữa non thấp giúp cho trẻ sơ sinh tăng cường khả năng tiêu hóa cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, trong sữa non có chứa Clo và Natri với hàm lượng cao. Các nguyên tố vi lượng như đồng, sắt, kẽm và một số khoáng chất khác có trong sữa non có hàm lượng trung bình nhiều hơn đáng kể so với sữa mẹ thông thường, cụ thể với nguyên tố sắt cao gấp 3-5 lần và đồng cao gấp 6 lần.
- Thành phần miễn dịch: Mỗi tế bào trong sữa non có khả năng miễn dịch nhất định.
- Immunoglobulin: Trong sữa non chứa 1 lượng lớn globulin có khả năng miễn dịch và chống lại các loại bệnh khác nhau, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch và phòng ngừa rủi ro nhiễm trùng sơ sinh ở trẻ trong giai đoạn đầu đời.
3. Sữa non có tác dụng gì đặc biệt?
- Sữa non – Thuốc kháng sinh tự nhiên dành cho trẻ
Bác sĩ thường khuyến khích các bà mẹ nên cho con bú sớm nhất có thể. Những giọt sữa non đầu đời này không chỉ mang lại hàm lượng chất dinh dưỡng tuyệt vời, mà các tế bào sống có trong sữa non (hay còn gọi là kháng thể) có vai trò kích thích cơ thể trẻ tạo ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây hại, các loại vi rút gây bệnh, bệnh mãn tính...
Sữa non có vai trò như thuốc kháng sinh đối với trẻ nhưng lại hoàn toàn không có tác dụng phụ. Các chuyên gia đánh giá sữa non là một loại vắc xin tự nhiên với độ an toàn tuyệt đối. Những trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời sẽ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần; đồng thời ngăn ngừa được các bệnh về đường hô hấp, bệnh sởi hay tiêu chảy.
- Sữa non giúp não bộ của trẻ phát triển
Sữa non có chứa một thành phần khá quan trọng mang tên ganglioside. Ganglioside được biết đến là một nhóm chất béo không thể thiếu trong việc phát triển trí não của trẻ, ngoài ra còn giúp cải thiện hệ thống đường ruột, ngăn ngừa khả năng viêm nhiễm đường ruột bằng cách thu hút vi khuẩn có hại và trung hòa chúng.
- Sữa non giúp cải thiện hoạt động hệ thống tiêu hóa ở trẻ
Khi tiếp xúc với sữa non ngay lúc mới chào đời, do hàm lượng chất béo trong sữa non rất ít nên trẻ hấp thụ và tiêu hóa một cách thuận lợi. Lúc này, hệ thống phân giải thức ăn ở trẻ cũng vừa mới hình thành, vậy nên các chất chống oxy hóa và immunoglobulin trong sữa non ngoài việc giúp trẻ tránh được tình trạng xuất huyết mà còn giúp bảo vệ thành ruột yếu ớt của trẻ.
Ngoài ra, sữa non còn có tác dụng tuyệt vời nữa là giúp nhuận tràng, thúc đẩy cơ thể trẻ nhanh chóng bài tiết ra phân xu, đồng thời đào thải bilirubin dư thừa. Việc này có tác dụng ngăn ngừa bệnh vàng da, giảm thiểu nguy cơ mẫn cảm và dị ứng ở trẻ.
Mẹ bầu nên cho con bú sớm nhất có thể
Sữa non có chứa những thành phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn đầu đời. Vì vậy, các bà mẹ thường được động viên cho con bú sớm nhất có thể. Việc làm này không chỉ giúp cho trẻ tiếp xúc với các thành phần dinh dưỡng có trong sữa non mà còn tăng khả năng kích thích tuyến sữa ở người mẹ, đồng thời hồi phục tử cung một cách nhanh chóng và ngăn ngừa nguy cơ mắc một số bệnh sau sinh ở mẹ.